Đánh giá này được nêu ra tại hội thảo nhân công bố báo cáo nghiên cứu về việc phát triển năng lượng tái tạo tại khu vực tiểu vùng Mekong, bao gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Miến Điện và tỉnh Vân Nam – Trung Quốc, được tổ chức ở Trung tâm nghiên cứu Stimson ở Washington DC (Hoa Kỳ) vào uối tháng 7/2017.
Các nhà nghiên cứu của Trung tâm Stimson cũng cho rằng phát triển các nguồn điện năng tại vùng hạ lưu Mekong nói chung và Việt Nam nói riêng nên đi theo hướng phối hợp, quan trọng là phát triển các nguồn điện năng tái tạo nhưng không phải là thủy điện, là gió và mặt trời.
Các lý do được giới chuyên gia Trung tâm Stimson đưa ra là công nghệ điện gió và mặt trời ngày càng phát triển, làm cho giá điện của các loại này giảm mạnh.
Các quyết sách quan trọng cho ngành điện mặt trời phát triển
Ngày 25/11/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2068/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 yêu cầu các nhà đầu tư sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch phải có trách nhiệm phát triển năng lượng tái tạo, như cứ phát triển 1.000 MW điện than thì phải có 30 MW nguồn điện tái tạo.
Trước đó, tại Hội nghị COP 21 ở Paris vào tháng 12/2015, Việt Nam đã cam kết giảm khí thải nhà kính với mức giảm trong giai đoạn 2021 – 2030 là 25%.
Trong Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra mới đây tại Đức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần nữa khẳng định Việt Nam sẽ làm tròn trách nhiệm trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu, chống ô nhiễm môi trường, giảm khí thải CO2.
Nghĩa là Việt Nam sẽ phải tìm cách tăng cường phát triển các nguồn điện từ năng lượng gió và mặt trời và kết quả dẫn đến Quy Hoạch Điện VII được điều chỉnh. Theo đó, Việt Nam đặt kế hoạch khai thác điện mặt trời đến năm 2020 đạt 850 MW và nâng lên 4.000 MW vào năm 2025.
Quan trọng nhất, ngày 11/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg, cho phép các dự án điện mặt trời được miễn thuế nhập khẩu hàng hóa phục vụ sản xuất, được miễn giảm tiền sử dụng đất, thuê đất, thuê mặt nước và bên mua điện (EVN) có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án nối lưới, với giá 9,35 cent/kWh; thời hạn hợp đồng mua bán điện với các dự án là 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.
Các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã tính toán và thấy rằng, trong điều kiện chi phí pin, chi phí thiết bị biến đổi tần đã giảm, chi phí vốn và lãi vay xuống dưới 9 %/năm, giá bán điện 9,35 cent/kwh sẽ đảm bảo dự án có tính khả thi cao.
Quyết định trên của Thủ tướng cũng nêu rõ: Các dự án điện trên mái nhà được thực hiện cơ chế bù trừ điện năng (net-metering) sử dụng hệ thống công tơ (đồng hồ) hai chiều.
Trong một chu kỳ thanh toán, lượng điện phát ra từ các dự án trên mái nhà lớn hơn lượng điện tiêu thụ sẽ được chuyển sang chu kỳ thanh toán kế tiếp.
Khi kết thúc một năm hoặc khi kết thúc hợp đồng mua bán điện, lượng điện phát dư sẽ được bán cho bên mua điện theo giá quy định.
Sẽ bùng nổ các dự án điện mặt trời
Các nhà đầu tư trong và ngoài nước có nhiều lý do để mạnh dạn tiến vào ngành năng lượng tái tạo. Thứ nhất, thế giới đã có sự dịch chuyển và suốt 3 năm qua, mỗi năm toàn cầu rót 200 tỉ USD vào ngành năng lượng tái tạo.
Nhìn về Đông Nam Á, khu vực nhiệt đới nắng gió quanh năm nhưng tổng năng lượng tái tạo, gồm cả điện mặt trời và điện gió của toàn khu vực ASEAN mới chỉ đạt 4GW, chiếm khoảng 0,5% của thế giới và ở mức dưới 10% về công suất phát điện.
Thứ hai, Việt Nam là nước có tiềm năng về năng lượng mặt trời, khi mật độ năng lượng mặt trời trung bình khoảng 4,3 kWh/m2, số ngày nắng nóng trung bình khoảng 2.000 giờ/năm.
Đặc biệt, từ Đà Nẵng trở vào thì năng lượng mặt trời tốt hơn hẳn, mật độ năng lượng bức xạ trong khoảng 4,5 – 5 kWh/m2; số ngày nắng trung bình là 2200 – 2500 giờ/năm. Do đó, việc ứng dụng điện mặt trời khu vực này sẽ có hiệu quả cao.
Và cuối cùng, lý do quan trọng nhất là Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 11/2017/QĐ-TTg nêu trên, giải tỏa tâm lý cho các nhà đầu tư về giá bán điện và những ưu đãi cho dự án.
Có thể nói từ đầu năm 2017 đến nay, các dự án điện mặt trời bùng nổ tại Việt Nam, có thể điểm qua như sau:
Tỉnh Bình Thuận, hiện nay dự án điện năng lượng mặt trời lớn nhất của tỉnh nằm ở xã Sông Bình (huyện Bắc Bình) có công suất 200 MW, chiếm diện tích đất tới 282 ha, do EVN làm chủ đầu tư.
Toàn bộ vùng tiềm năng điện mặt trời của tỉnh là trên 8.400 ha, với công suất được quy hoạch 5.000 MW. Ngoài 37 nhà đầu tư đã được tỉnh cho phép nghiên cứu, khảo sát và chấp thuận đầu tư, hiện vẫn có khá nhiều nhà đầu tư đang đề nghị được tỉnh cho nghiên cứu, đo nắng và lập dự án.
Tỉnh Ninh Thuận cũng thu hút được nhiều dự án điện mặt trời. Theo Sở Công Thương Ninh Thuận, toàn tỉnh có 8 dự án đã được chấp thuận đầu tư, khoảng 40 nhà đầu tư khác đến từ Hàn Quốc, Thái Lan, Đức, Trung Quốc..đang nộp hồ sơ dự án với quy mô 30 – 100 MW.
Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đang xúc tiến nhiều dự án điện mặt trời công suất từ 20 MW đến 300 MW tại các tỉnh khác như Tây Ninh, Hậu Giang, Đồng Nai, Quãng Ngãi, Thanh Hóa, Hà Tĩnh…
Chỉ riêng tâp đoàn Thành Thành Công (TTC) đã dự kiến đầu tư khoảng 20 dự án điện mặt trời vốn tổng vốn khoảng 1 tỷ USD, và tháng 10/2017 họ sẽ khởi công 02 dự án đầu tiên tại Gia Lai và Huế. Dự kiến nối vào lưới điện vào cuối năm sau.
Các dự án còn lại ở Tây Ninh, Bình Thuận, Ninh Thuận đang hoàn thiện hồ sơ để khởi công và có thể phát điện từ tháng 5/2019.
Với lý do chi phí đầu tư điện mặt trời hiện nay giảm rất mạnh, bằng 30% so với 2010. Đặc biệt sau Thủ tướng Chính phủ ký quyết định (như đã nêu ở trên) vào tháng 4/2017 về giá bán điện mặt trời cho EVN là 9,35 cent/kWh – là một con số có lời như nhận định của một số nhà đầu tư.
Theo đó, dự báo của các chuyên gia cho rằng trong vài năm tới đây Việt Nam sẽ lên cơn sốt ‘điện mặt trời’, khi đó sẽ có trăm nhà đầu tư nước ngoài dòm ngó vào lĩnh vực này. Đồng thời dự báo sẽ có khoảng 12 tỷ USD sẽ chảy vào các dự án điện mặt trời.