Việt Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển điện mặt trời áp mái

Sau 2 năm triển khai mô hình điện mặt trời lắp mái hộ gia đình mới có 1.800 hộ dân tham gia với công suất lắp đặt 30 MW. “Công suất như vậy là rất khiêm tốn so với tiềm năng”.

Đó là chia sẻ của TGĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Trần Đình Nhân tại Hội thảo “Thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam” tổ chức vào sáng ngày 27/2 tại Hà Nội.

Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), đại diện lãnh đạo các ngân hàng, nhà đầu tư, cơ quan tổ chức, đơn vị cung cấp dịch vụ tiện ích từ năng lượng sạch hàng đầu tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN cho biết, Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện, nhất là giai đoạn từ 2021-2025 và sau đó. Đặc biệt, dự báo đến năm 2023, hệ thống sẽ thiếu hụt khoảng 12 tỷ kWh, chiếm 5% so với nhu cầu của cả nước.

Chính vì vậy, EVN mong muốn có sự tham gia của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước trong việc đầu tư phát triển các dự án nguồn điện, trong đó có các dạng năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời nhằm đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Toàn cảnh Hội thảo

Trên thực tế, sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, hai năm qua đã có 365 dự án điện mặt trời tập trung với công suất 29.000 MW được đăng ký đầu tư, trong đó 141 dự án được bổ sung vào quy hoạch. Và đã có 95 dự án với công suất đặt 6.100 MWp đã được EVN ký hợp đồng mua bán điện.

Tuy nhiên, có một thực tế là nhà đầu tư đang đi quá nhiều vào các khu vực có cường độ bức xạ lớn. Chỉ tính riêng các tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Lâm Đồng đã có 75 dự án và dự kiến là sẽ tiếp tục tăng nhanh nên lưới điện truyền tải không thể truyền tải được hết lên hệ thống. EVN dự kiến chỉ 50% công suất này được đưa lên lưới vì để đầu tư lưới truyền tải cần từ 3 – 5 năm, trong khi để làm điện mặt trời thì mất khoảng 1 năm.

Với tiềm năng điện mặt trời rất lớn, EVN nhận thấy có thể áp dụng điện mặt trời áp mái vì có nhiều lợi ích thiết thực. Điện mặt trời áp mái có thể nối lưới trực tiếp vào lưới điện hạ thế và trung thế, không gây quá tải. Đối với các hộ dân, khi lắp đặt điện mặt trời áp mái có thể làm cho nhiệt độ trong nhà mát hơn, tiết kiệm chi phí, có thể bán lại điện cho EVN…

Hơn thế, trong bối cảnh hệ thống điện đang chịu nhiều áp lực về bảo đảm cung ứng điện, đặc biệt sau năm 2020 khi cả nước không có nguồn khai thác mới, thì việc phát triển các dự án năng lượng mặt trời trong đó có điện mặt trời áp mái được xem là một trong những giải pháp góp phần giảm áp lực cho ngành điện.

Pin năng lượng mặt trời được triển lãm bên lề Hội thảo

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, EVN đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiên phong triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, tính đến cuối năm 2018, các đơn vị trực thuộc đã lắp đặt được 54 công trình với tổng công suất 3,2 MWp. Đối với khách hàng là các công sở, doanh nghiệp, hộ gia đình…, các Tổng Công ty Điện lực và Công ty điện lực đã ký kết thực hiện đấu nối, lắp đặt công tơ hai chiều, xác nhận chỉ số công tơ và sản lượng điện năng giao nhận với 1800 khách hàng đăng ký bán điện mặt trời áp mái với tổng công suất 30,12 MWp, sản lượng điện năng phát lên lưới lũy kế là 3,97. triệu kWh.

Tuy nhiên, theo TGĐ Tập đoàn điện lực Việt Nam, dù đã có định hướng, cơ chế hỗ trợ của Chính phủ và sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành, địa phương song 2 năm qua mới có 1.800 hộ tham gia lắp đặt điện mặt trời với khoảng 30 MW, quá nhỏ so với tiềm năng. Nguyên nhân được chỉ ra là vướng mắc quy định thanh toán của khách hàng bán trên lưới điện, thuế, khả năng tài chính ban đầu của hộ gia đình…

Hội thảo là một trong những hoạt động quan trọng của EVN trong lĩnh vực kinh doanh, nhằm phổ biến, triển khai tiếp cận các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng, phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam nói chung và điện mặt trời áp mái nói riêng; trao đổi, chia sẻ, cập nhật công nghệ, kỹ thuật, giải pháp phát triển điện mặt trời áp mái dành cho mọi đối tượng khách hàng từ cơ quan, công sở của nhà nước tới các khách hàng doanh nghiệp và hộ gia đình.

Tại Hội thảo có 15 tham luận và 2 thảo luận được trình bày, tập trung vào các vấn đề chính như: Cơ chế, chính sách phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam; quy trình, thủ tục đấu nối, ký kết hợp đồng mua bán điện mặt trời áp mái của EVN; tiêu chuẩn kỹ thuật, thỏa thuận đấu nối, ký kết hợp đồng điện mặt trời áp mái nối lưới; chiến lược và kế hoạch tổng thể phát triển điện mặt trời áp mái, mô hình kinh doanh tại Việt Nam; tình hình triển khai và các giải pháp thúc đẩy, phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam; tiềm năng và các mô hình kinh doanh, phát triển điện mặt trời áp mái thế giới và áp dụng tại Việt Nam…

Thông qua Hội thảo, EVN cũng đề xuất một số kiến nghị để phát triển các dự án điện mặt trời áp mái tại các tỉnh, thành phố có tiềm năng về bức xạ mặt trời. Đó là kiến nghị Chính phủ xem xét cơ chế hỗ trợ các hộ gia đình một phần kinh phí đầu tư ban đầu lắp đặt điện mặt trời áp mái; có cơ chế cho các nhà đầu tư (bên thứ 3) tham gia vào đầu tư. Kiến nghị Bộ Công thương sớm ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 16 để EVN và các đơn vị điện lực chính thức ký kết hợp đồng và thanh toán tiền điện cho khách hàng; xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật điện mặt trời áp mái đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả cho khách hàng cũng như hệ thống lưới điện; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời nói chung và điện mặt trời áp mái nói riêng sau ngày 30-6-2019. Kiến nghị các nhà tài trợ, ngân hàng, nhà đầu tư, sản xuất, các tổ chức quốc tế và trong nước tham gia sâu rộng vào thị trường điện mặt trời tại Việt Nam, cung cấp các giải pháp, gói dịch vụ hấp dẫn khuyến khích khách hàng đầu tư và sử dụng điện mặt trời áp mái…

Về phía EVN cũng cam kết sẽ tạo điều kiện hỗ trợ tối đa, việc ký hợp đồng mua bán, đấu nối, thanh toán nhanh chóng dễ dàng. Chuẩn bị tất cả thiết bị nguồn lực (công tơ 2 chiều), truyền thông mạnh mẽ hơn nữa về điện mặt trời áp mái.

Liên quan đến vấn đề cơ chế, chính sách, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết đang phối hợp với các đơn vị liên quan để sửa đổi, bổ sung Thông tư 16, nhằm khắc phục những tồn tại, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các bên tham gia thị trường. Cục cũng mong muốn lắng nghe các ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp… nhằm hợp lực để xây dựng chương trình một cách hiệu quả tránh lãng phí.

Quyên Lưu – Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat Zalo