Tăng giá điện EVN thu về 20.000 tỷ đồng, phải chi 21.000 tỷ đồng
Theo ông Đinh Quang Tri-Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), với việc tăng giá điện, năm 2019 EVN sẽ thu về khoảng 20.000 tỷ đồng, song sẽ phải thanh toán 21.000 tỷ đồng cho các đối tác liên quan.
Ông Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại buổi họp báo. |
Giá cao nhất 2.927 đồng/kWh
Hôm nay 20/3, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã kí quyết định điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện. Theo đó, mức giá bán lẻ điện bình quân áp dụng từ ngày 20/3/2019 là 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế Giá trị gia tăng). Mức giá này cao hơn giá bán lẻ bình quân hiện hành là 143,79 đồng/kWh, tăng tương đương 8,36%.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng ban hành bảng giá bán điện cho các nhóm khách hàng. Giá bán lẻ điện sinh hoạt được điều chỉnh tương ứng chia làm 6 bậc. Bậc 1 từ 0-50 kWh được tính giá 1.678 đồng/kWh. Bậc 2 được tính giá 1.734 đồng/kWh cho mức tiêu thụ 51-100 kWh. Bậc 3 giá bán là 2.014 đồng/kWh cho mức tiêu thụ 101-200 kWh. Giá bậc 4 là 2.536 đồng/kWh cho 201-300 kWh; bậc 5 có giá 2.834 đồng/kWh cho 301-400 kWh; bậc 6 được tính 2.927 đồng/kWh cho 401 kWh trở lên.
Xung quanh vấn đề tại sao tăng giá điện với mức cụ thể như trên, phát biểu tại buổi họp báo về tăng giá điện do Bộ Công Thương tổ chức chiều tối ngày 20/3, ông Nguyễn Anh Tuấn-Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết: Quy định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân theo Quyết định 24 của Chính phủ, trong đó các chi phí đầu vào được tính toán ở các khâu phát điện, truyền tải, phân phối, bán lẻ, quản lý ngành.
Ngày 18/12/2018, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định quyết định cơ cấu nguồn với thuỷ điện 31%; nhiệt điện than 46%; tuabin khí 18,6% và huy động dầu khoảng 0,6%. Điện mặt trời trong năm nay với nguồn năng lượng tái tạo mới huy động khoảng 1,2% tổng sản lượng điện sản xuất của cả nước.
Về giá nhiên liệu đầu vào, từ ngày 5/1/2019 giá than bán cho sản xuất điện tăng từ 2,61% đến hơn 7% tuỳ từng loại than, tăng chi phí phát điện lên hơn 3.000 tỷ đồng. Giá than năm nay được điều chỉnh đồng thời với giá điện ngày 20/3, than của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) tăng hơn 3% và Tổng công ty Đông Bắc hơn 5% tăng, tổng làm tăng hơn 2.000 tỷ đồng…
Về khí, trước ngày 20/3 có khí trong bao tiêu áp dụng giá trong hợp đồng quy định và khí trên bao tiêu áp dụng theo giá thị trường. Từ ngày 20/3, toàn bộ khí bán cho nhà máy điện bao gồm cả trong bao tiêu và trên bao tiêu đều thực hiện theo thị trường. Điều này ước làm chi phí sản xuất điện tăng thêm hơn 5.800 tỷ đồng.
“Năm nay, một số chi phí ngành điện trả ngoại tệ như giá khí hoàn toàn tính theo USD, mức độ tính tỷ lệ trượt giá là 1,36%. Khoản chênh lệch tỷ giá còn treo những năm trước cũng được tính toán phân bổ vào tăng giá điện năm nay. Những năm trước do nhiều yếu tố còn treo lại một phần chênh lệch tỷ giá, phân bổ dần từ năm 2016-2020. Năm 2018 không tăng giá điện nên một số khoảng lẽ ra phân bổ trong năm 2018 phải dồn sang năm 2019”, ông Tuấn nói.
Về khoản chênh lệch tỷ giá, ông Đinh Quang Tri-Phó Tổng giám đốc EVN cho biết thêm: Vấn đề này hoàn toàn khách quan, do thị trường ngoại tệ, nếu ổn định thì chênh lệch tỷ giá ít. “Chúng ta vẫn phải vay vốn nước ngoài vì thời gian vay dài hơn, lãi suất thấp hơn. Nguồn vốn trong nước không đủ, các nhà đầu tư không thu xếp được vốn vay trong nước nên cơ chế chênh lệch tỷ giá này vẫn phải tiếp tục áp dụng. Nếu không vay nhà đầu tư không thể làm được, không có điện bán cho EVN và EVN cũng không có điện cung cấp cho nền kinh tế “, ông Tri nói.
EVN thu về 20.000 tỷ đồng
Sau khi tăng giá điện, EVN sẽ thu về bao nhiêu tiền? Trả lời câu hỏi này, ông Đinh Quang Tri cho biết: Trong năm 2019, EVN sẽ thu về thêm hơn 20.000 tỷ đồng khi giá điện tăng 8,36%. Số tiền này sẽ được dùng để thanh toán các chi phí đầu vào tăng thêm hàng năm. Trong đó, chi phí cho than là hơn 7.000 tỷ đồng; chi phí chênh lệch tỷ giá khí trong bao tiêu là gần 6.000 tỷ đồng; chi hơn 3.800 tỷ đồng trong số thu thêm nêu trên để thanh toán chênh lệch tỷ giá cho các nhà đầu tư không thuộc EVN.
Ngoài ra, số tiền 20.000 tỷ đồng nêu trên cũng sẽ được trích ra để thanh toán bổ sung cho các nhà đầu tư về quyền khai thác nguồn tài nguyên nước. EVN phải bổ sung vào hợp đồng mua bán điện để thanh toán cho các nhà đầu tư, đây là quy định mà trước đó chưa có… “Tổng các chi phí tăng thêm mà EVN phải thanh toán khoảng 21.000 tỷ đồng. Chúng tôi như một đơn vị trung gian, thu tiền và thanh toán lại cho đối tác”, ông Tri nói.
Tại họp báo hôm nay, liên quan tới thắc mắc giá điện sản xuất thấp, sinh hoạt cao có bất công hay không, ông Đinh Quang Tri cho rằng, nghe có vẻ đúng nhưng chính sách giá hiện nay mang cả tính xã hội, kỹ thuật, kinh tế.
“Về mặt kỹ thuật, sản xuất dùng nhiều, điện áp cao hơn và tổn thất thấp hơn so với điện sinh hoạt, chúng ta cũng đã có giá điện bậc thang để người thu nhập thấp tiếp cận điện, người tiêu dùng nhiều hỗ trợ người tiêu dùng ít. Nhiều lần tôi báo cáo, điện là sản phẩm duy nhất kêu gọi mọi người tiết kiệm, không khuyến mại điện, tuyên truyền cùng tham gia đầu tư và tiết kiệm điện”, ông Tri lý giải.
Hải Quan Online